Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Ngọc Liên - Huyện Cẩm Giàng

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Ngọc Liên


Ngọc Trục là mảnh đất giầu truyền thống lịch sử và văn hiến. Căn cứ các tài liệu lưu trữ, vào đầu thế kỷ XIX, làng Ngọc Trục (tên Nôm là làng Dục), thuộc Tổng Ngọc Trục, huyện Cẩm Giàng, trấn Hải Dương. Ngày nay là làng Cẩm Ngọc (do sáp nhập hai thôn Ngục Trục và Cẩm Trục từ năm 2019 thành làng Cẩm Ngọc) thuộc xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

941.jpg
Đình Ngọc Trục thôn Cẩm Ngọc, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương

Như nhiều làng khác, xã khác tại đồng bằng Bắc Bộ, Làng Cẩm Ngọc có ngôi đền thờ 03 vị thành hoàng là: Đô Thiên chi thần, Đại Đô chi thần và Đại Đức chi thần có công “phù giúp" vua Lý Nam Đế (503-548) đánh quân Lương xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, lập ra nước Vạn Xuân.

Ngoài ba vị thiên thần trên, tại đây còn phối thờ Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận (?-1522), đỗ khoa Ái Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505). Ông từng giữ chức Kinh Bắc tán trị Thừa Chính sứ và Đô Ngự sử, có công xây dựng đất nước. Tháng 9/1954. Mặc Đăng Dung kéo quân vào Thanh Hóa tấn công nhà Lê; quan quân do tướng Trịnh Tuy chỉ huy thất bại… ba cha con Nguyễn Văn Vận phải tự tiết. Đến thời Lê Trung Hưng (1533-1788), Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận được triều đình truy phong là “Tiết nghĩa công thần", tặng chức Tả Thị Lang  và giao cho bàn xã lập miếu thờ.

Đình Ngọc Trục được xây dựng vào đầu thời Lê Trung Hưng (TK XVI), trải qua trùng tu, tôn tạo vào các năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), Cảnh Hưng thứ 2 (1741) và Minh Mệnh thứ 3 (1922). Trong thời kỳ chống Pháp (1946/1954), di tích là nơi hoạt động của cán bộ huyện Cẩm Giàng, tổ chức lớp học Bình Dân học vụ, hưởng ứng phong trào diệt “Giặc đói", “ Giặc dốt" và giặc ngoại xâm  do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

Năm 1962 thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan" của Đảng, Đình Ngọc Trục được giải hạ hoàn toàn, lấy vật liệu xây nhà kho HTX nông nghiệp địa phương.

Ngày 25/8/2006, được sự nhất trí của cơ quan chức năng và hưởng ứng tích cực của nhân dân, UBND huyện Cẩm Giàng đã có công văn số 302/CV – UBND cho phép khôi phục di tích. Công trình khởi công ngày 7/5/2006, khánh thành ngày 23/11/2008. Kiến trúc kiểu chữ “Đinh" (J) gồm 5 gian đại bái và hai gian hậu cung, chất liệu Bê tông giả gỗ. Di vật quý hiện còn: 02 tấm bia đá khắc dựng năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) và năm Minh Mạng thứ 3 (1822); 02 đạo sắc phong; 01 đôi lục bình' 01 mâm bồng đầu thời Nguyễn (TK XIX).

Hàng năm lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 9-11 tháng Giêng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngoài việc tế lễ Thành hoàng theo nghi thức cổ truyền nhân dân còn tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ hấp dẫn, ca ngợi quê hương, đất nước.

Ngày 20/01/2019, căn cứ Luật Di sản Văn hóa. UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 339/QĐ- UBND xếp hạng di tích và cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa đình Ngọc Trục, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng. Diện tích đất khoanh vùng bảo vệ gồm: Khu vực I: 738m2; Khu vực II: 1.224,2 m2. Đây là thành quả đáng tự hào của cán bộ và nhân dân thôn Ngọc Trục, xã Ngọc Liên góp phần làm giầu kho tàng Di sản văn hóa dân tộc./.